Người và robot
Đây là một kinh nghiệm mà mình rút ra được sau nhiều năm làm quản lý. Xin lưu ý rằng đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân, nó có thể đúng với mình nhưng không chắc là có đúng với bạn hay không. Ghi ra như một ghi chép cá nhân là chính, đồng thời chia sẻ biết đâu nó sẽ có chút hữu ích nào đó với mọi người.
NGƯỜI
Người thường dễ nhận diện: luôn bước vô công ty với tinh thần vui vẻ, mắt nó sáng lên khi nghe về những điều mới, những việc mà nó thấy tốt cho công ty, giao cho nó việc khó thì thường nó xem đó là cơ hội để được thử thách hơn là ngồi kêu trời kêu đất.
Nhóm này nên tuyển kỹ, xét đạo đức nhiều hơn cả chuyên môn. Chuyên môn của nhóm này nhiều khi thua mấy đứa có kinh nghiệm đôi chút cũng không sao, với cái thái độ sống của nó + được đào tạo + được trao cho cơ hội, chẳng mấy chốc tụi nó sẽ qua đám có kinh nghiệm nhưng lại hay coi trời bằng vung.
Nhóm này thường khi làm gì mà thất bại thì nó là đứa tự xỉ vả nó đầu tiên, không phải đợi ai nói (khác với nhóm Robot thường sẽ có xu hướng tại, bị, thì, mà,…)
Khi công ty phát triển hay khi công ty có vấn đề, đều dành thời gian ngồi tâm sự với nhóm này, chia sẻ hướng đi rõ ràng, chia sẻ tình hình công ty đang tốt hay đang xấu. Vì đám này không sống bằng lương và mà tụi nó sống bằng những trải nghiệm, được thấy những thành quả gặt được từ nỗ lực của nó.
Đây là nhóm mà mình xem là anh em, dù lên voi xuống chó mình cũng nghĩ về tụi nó (và thường tụi nó cũng theo mình dù mình đang cưỡi voi hay cưỡi chó).
Khi công ty đi lên, nên nghĩ ngay đến việc chia sẻ (share, stock,…) cho nhóm này, vì:
-
“Người” xứng đáng được tưởng thưởng cho những cố gắng của mình – mà lẽ ra với chất lượng của “người”, “người” sẽ làm lương cao ở những công ty lớn, thu nhập cao.
-
“Người” hiểu được giá trị của việc cùng sở hữu công ty.
Khi công ty đi xuống, hoặc thất bại:
-
Nên giành thời gian, dùng mối quan hệ của mình để tìm việc mới cho người, giới thiệu người vô những chỗ tốt. Điều đó vừa tốt cho người, vừa tốt cho cái công ty được giới thiệu.
-
Nên giữ mối quan hệ với người, vì không ai biết được một mai người và ta sẽ có cơ hội hỗ trợ nhau trong tương lai.
-
Và cuối cùng là vì trách nhiệm mà người chủ doanh nghiệp phải có: founder bị thất bại thì chỉ làm cho founder đó có giá trị hơn (thiệt!), còn anh em theo founder về làm một công ty bị thất bại thì chỉ xấu cho CV của họ, tội họ lắm! Mà đời người đi làm thì CV còn quan trọng hơn cái bằng. Cho nên phải có trách nhiệm.
ROBOT
Cũng như người, Robot cũng dễ nhận diện: giao việc cho robot tới đâu thì robot làm tới đó, hên gặp robot tốt thì giao 10 nó deliver 10, robot thường thấy nhất thì giao 10 deliver tầm 8-9, còn robot bị lỗi thì giao 10 deliver được 5-6 + trễ hạn.
Robot thường đến đúng giờ và về đúng giờ (khác đám người thường làm việc không quan tâm giờ giấc), mỗi khi cần làm gì ngoài giờ thì phải năn nỉ gãy lưỡi (với đám người thì nửa đêm nghĩ ra ý tưởng mới cũng có thể bốc điện thoại gọi nó – cùng lắm nó càm ràm đôi câu rồi nghe ý tưởng hay là nó tỉnh hơn cả mình).
Robot thích các hoạt động ăn chơi nhảy múa, company trip một năm 2 lần (khác với người thích tụm năm tụm ba lúc 11h đêm ngày thứ 6 để cùng nhau bàn về một chức năng mới).
Robot làm vì lương, lương cao + công ty vui (theo định nghĩa của robot: ăn chơi nhảy múa nhiều) sẽ giữ được robot.
Robot không cần share, đặc biệt là share khi công ty đang chưa thành công.
Công ty sập thì chỉ cần làm đúng thủ tục theo pháp luật với robot. Robot không cần mình phải lo.
Và, nói như vậy không có nghĩa là robot không có giá trị (ngược lại robot rất hiệu quả nếu dùng đúng cách, đúng việc). Và cũng đừng nghĩ robot chỉ là những nhân viên cấp thấp, có một số robot rất lành nghề, làm vị trí rất cao, công việc quan trọng,… nhưng họ vẫn là robot.
Có những người chọn làm robot vì đó là con đường họ chọn. Vì họ không chọn công việc làm niềm vui, có thể niềm vui có họ là một cái gì đó, văn thơ đàn hát, leo núi, đá banh,… gì đó. Họ đi làm chỉ để cung cấp tài chính cho đam mê kia. Không có gì sai, không có gì là xấu. Nhìn đời nhẹ nhàng sẽ thấy vui! :)
DÙNG NGƯỜI VÀ ROBOT
Như đã nói, Người và Robot đều cần thiết cho công ty.
Chỉ là ở góc độ người quản lý, phải phân biệt rõ và sử dụng thích hợp người và robot một cách uyển chuyển cho từng việc, từng giai đoạn khác nhau của công ty.
Hồi xưa mình có sai lầm khi gặp ai cũng inspire, cũng ủy lạo tinh thần, cũng chia sẻ chiến lược. Mà công việc này thường rất tốn thời gian, trong khi robot không thích nghe, bắt nó nghe giống như là bắt nó đi họp.
Hồi xưa mình thích để anh em có môi trường thoải mái, tự giác. Nhưng sau này rút ra rằng chỉ nên áp dụng điều đó với người, với robot làm vậy là bị lợi dụng ngay và chất lượng từ 8-9 sẽ còn 4-5 thậm chí không theo sát còn 1-2 không biết chừng.
Cách inspire với robot và người cũng khác nhau. Không nên dùng chung.
Thời gian đầu nên cố gắng tìm người, anh em chan hòa công việc cho nhau để cày ngày cày đêm. Sau này khi công ty đã lớn, mọi việc đã vào guồng, sẽ cần những bánh răng để vận hành những công việc nhất định, robot sẽ rất cần thiết và phù hợp cho những vị trí này.
Người khó kiếm, nên tự đi kiếm, đi dụ dỗ về. Robot thì nên viết cái JD cho kỹ rồi đưa recruiter tuyển, mình hoặc HR phỏng vấn vòng cuối là được, đừng ôm đồm mà bị quá tải.
Còn nhiều điều muốn viết về chủ đề này, nhưng có lẽ đã khá dài. Hẹn dịp khác sẽ bổ sung thêm.
Source: Người và robot on Blog Ngọc Hiếu.